Shopee Chạm để tắt
Lazada Chạm để tắt

Việt Nam là một quốc gia đa dạng văn hoá, tạo nên tổng thể đầy hài hoà suốt chiều dài lịch sử. Để có được bề dày ấy, Việt Nam đã đón nhận những tinh hoa văn hóa nổi trội trên khắp thế giới và bản địa hóa để phù hợp với tinh thần dân tộc Việt Nam. Một trong số đó chính là tín ngưỡng phồn thực - yếu tố cực kỳ quan trọng đối với nền nông nghiệp lúa nước.

Vậy như thế nào là tín ngưỡng phồn thực? Theo cách hiểu đơn giản nhất thì đây là một nét văn hoá thờ cúng của một dân tộc, lấy việc thờ sinh thực khí làm đầu với ngụ ý mong muốn sinh sôi nảy nở. Hoặc như trong cách giảng giải về nghĩa của các từ, thì “Phồn” mang nghĩa là nhiều, “thực” là biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Các nền văn hóa mang yếu tố này đa phần đều là các nền nông nghiệp, vì người nông dân chú trọng sự nảy nở, mưa thuận gió hoà, âm – dương hòa hợp và đất trời sinh sôi không ngừng. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đầu tiên phải kể đến hình ảnh chiếc trống đồng – một biểu tượng của văn hoá Đông Sơn nói riêng và một di sản văn hoá của Việt Nam nói chung. Cách đánh trống đồng là cầm chày dài mà đâm lên mặt trống, mô phỏng cho động tác giã gạo hay giao phối. Ngoài ra hoa văn của trống đồng còn có hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc, trong ý thức của người Việt là “cậu ông trời”, mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi.

Tiếp đến là việc thờ phụng, chạm khắc hay kiến trúc của người Việt cũng mang đậm yếu tố phồn thực. Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp. Thân thạp khắc chìm hình những con thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước khiến cho hai con cá sấu – rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiếc thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Ở Hòn Đỏ (Khánh Hoà) thì có hình thức cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào lỗ Lường để cầu xin đánh được nhiều cá.

Một hình thức thể hiện khác của yếu tố phồn thực còn ở các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Việt. Chày – sinh thực khí nam, cối – sinh thực khí nữ là hai vật được dùng để giã gạo – ngụ ý của giao phối. Còn ở vùng Vĩnh Phúc có tồn tại một trò chơi gọi là thả cầu: Hai bên tranh nhau một quả cầu màu đỏ (dương), ai cướp được thì mang về thả vào hố (âm) của bên mình. Hay hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng đại được tìm thấy trên tượng đá với niên đại hàng nghìn năm tr. CN ở Văn Điển (Hà Nội), ở những hình khắc trên đá trong thùng lũng Sa-pa, ở nhà mồ Tây Nguyên… Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Hoặc việc thờ các loại cột (cột đá tự nhiên hoặc cột đá được tạc ra, có thể có khắc chữ dựng trước cổng đền miếu, đình chùa) và các loại hốc (hốc cây, hốc đá trong các hang động, các kẽ nứt trên đá).

Không chỉ thế, văn hoá phồn thực còn len lỏi trong ẩm thực Việt Nam. Ở miền Trung và Nam có hình ảnh chiếc bánh Tét, miền Bắc có bành dày – đất, bánh chưng – trời, người Chăm có bánh cúng – bánh cấp,… Trong đó thì bánh cúng và bánh cấp của người Chăm là tượng trưng cho Linga (bộ phận sinh dục nam) và Yoni (bộ phận sinh dục nữ). Tục thờ này ngụ ý nhờ vào Linga và Yoni mà vạn vật được sinh sôi nảy nở.

Bởi vì có sự liên kết chặt chẽ với nông nghiệp lúa nước nên từ thuở xa xưa, ngay từ khi con người bắt đầu biết đến việc trồng trọt và chăn nuôi thì tín ngưỡng phồn thực cũng đã dần dần xuất hiện. Giống như việc thờ phụng các yếu tố thiên nhiên, phồn thực bày tỏ sự trông đợi, kính cẩn của con người đối với các vị thần linh, hình thành mối tương quan đồng nhất từ những ngày đầu tiên. Riêng tại Việt Nam, tín ngưỡng này thể hiện cực kỳ rõ nét, không chỉ trong lối sinh hoạt hằng ngày mà còn xuất hiện trong các lễ hội văn hóa dân gian. Đa phần các lễ hội phồn thực thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa mà muôn hoa nảy nở sinh sôi. Một số lễ hội mang yếu tố phồn thực có thể kể đến như:

Lễ hội Linh Tinh Tình Phộc là lễ hội ở tỉnh Phú Thọ, được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Ngoài cái tên ở trên, còn có một tên gọi khác là Trò trám vì lễ hội được diễn ra tại miếu Trò (xã Tứ Xã, H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào khoảng thời gian giao giữa ngày 11 và ngày 12 tháng giêng. Theo đó, trong lễ hội sẽ có các cụ cao niên thực hiện lễ tế cầu mong sự ấm no, sung túc cho người nông dân. Sau đó sẽ có một người nam và một người nữ (vợ chồng) sẽ cầm lấy “nõ nường” – hai vật tượng trưng cho sinh thực khí của nam và sinh thực khí của nữ. Khi người chủ trì hô “Linh Tinh Tình Phộc” 3 lần thì người nam sẽ cầm cái "nõ" đâm vào "nường" mà người nữ đang cầm, nếu trúng đúng 3 lần thì mùa màng sẽ bội thu. Ngoài ra, trong lễ hội này còn xuất hiện thêm cả việc múa hát và diễn chèo, sử dụng chất liệu từ chuyện “tế nhị” của dân gian mà trình diễn.

Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày là "bôi nhọ mặt") là lễ hội truyền thống của người Tày. Theo đó lễ hội thường diễn ra ở đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vào ngày rằm tháng Giêng nhằm tưởng niệm vua Mạc Thái tổ - Mạc Đăng Dung, phục dựng lại việc đánh đuổi giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Trong lễ hội sẽ xuất hiện các nghi thức như: cúng Thành Hoàng, đức thánh Cao Sơn Quý Minh, đức vua Miêu Tĩnh và đức vua Cao Quyết, mô tả lại cách đánh giặc, trình diễn,… Quan trọng nhất, lễ hội còn có nghi thức rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Theo phong tục mỗi năm, hai vật này sẽ được thay đổi. Tàng thinh được mô tả theo hình ảnh dương vật của nam giới và Mặt nguyệt là hai chiếc mẹt cỡ lớn úp mặt vào nhau, cùng biểu tượng âm dương và hai chữ "Bình An". Ý nghĩa của hai linh vật này được xem là mong ước sinh sôi nảy nở và con cháu đông đúc sung túc.

Lễ hội “Ông Đùng Bà Đà” diễn ra vào ngày 14 - 4 âm lịch hàng năm, trùng vào mùa hoa Đùng nở rộ, tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhân dân khi đến lễ hội đều mong muốn cầu được sinh sôi, nảy nở, thịnh vượng. Trong lễ hội xuất hiện điệu múa của ông Đùng, bà Đà mang đậm chất folklore (văn hóa dân gian). Theo đó thì sẽ có hai hình ông Đùng, bà Đà được đan bằng tre mỏng theo kiểu mắt cáo, thân hình cao tới 1,5m - 2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào. Trong lúc diễn múa người ta sẽ xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: "Lạy Chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! Lạy Chúa, lạy Chúa…". . Các động tác múa cũng vô cùng đặc biệt, lúc thì nghiêng ngả, lúc thì quay sang phải, lúc lại quay sang trái, cho ông bà có cơ hội "bày tỏ" tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho phải có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang "ăn nằm" với nhau. Càng về sau các động tác múa càng mạnh hơn và hưng phấn hơn.

Sau đó, đoàn múa ra khỏi đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quang Đùng bố mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới đền thì dân làng vội vã xô nhau vào tranh cướp sao cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà để mang về cắm vào ruộng, vào vườn hay trên thuyền để lấy may.

Bên cạnh các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng phồn thực còn xuất hiện trong cả văn học Việt Nam. Trong quần thể văn học Việt Nam, hình ảnh của tín ngưỡng phồn thực đã được lồng ghép vào từ trong văn học dân gian. Một trong số đó phải kể đến những câu hò đối đáp của người nông dân, dùng các cách nói láy, ẩn ý mang đậm tính “tế nhị” để thể hiện cái tín ngưỡng phồn thực trong đó. Cụ thể hơn, có thể xét đến những câu như:

- Ở hò đối đáp:

Đối: Tiếng đồn anh làm thợ mộc
khéo
Em cậy anh làm bức đối xéo
Mực mẹo khéo khôn dò
Anh không đưa lưỡi chàng mà
kết khéo thò lò mộng ra

Đáp: Em cậy anh làm bức đối
xéo
Mực mẹo anh có dò, bởi vì dài
mộng ra là tại o(3)
Muốn đóng thêm vào một chút
nữa để thò lò mà treo khăn.

- Ở ca dao:

Tạnh trời ra đứng phân miêng
Hỏi thăm bên bạn đùi chiêng anh mô rồi

- Ở tục ngữ:

Nếp lộn lòn con ăn mau nậy

- Ở câu đố (chỉ con mắt nhắm):

Trên lông dưới lông, tối nằm chồng lên nhau.
Cái gì nằm thì đứng, mà đứng thì nằm.

Ngoài ra thì truyện cười dân gian càng mang đậm cái tính chất này hơn. Điểm qua các truyện về trạng Quỳnh như Đá bèo, Chúa ngủ ngày, Nắng cực,… hoặc truyện về vế đối của ông với Đoàn Thị Điểm cũng thấy được cái phồn thực được thể hiện một cách đầy khéo léo.

Tuy nhiên, người chịu ảnh hưởng của của yếu tố phồn thực rõ nét nhất chính là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đối với người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ thời phong kiến, yếu tố tình dục được xem là chuyện cấm kỵ. Nhưng đối với Hồ Xuân Hương, yếu tố tính dục lại xuất hiện với tần suất dày đặc trong những áng thơ của bà.

Trong tựa sách Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực, phần bình về bài thơ “Đánh đu”, nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Lai Thúy có viết thế này:

“Thiên tài Hồ Xuân Hương là miêu tả cảnh đánh đu rất đẹp, đầy hình ảnh, màu sắc, động tác gợi được không khí xuân. Vẻ đẹp của thân thể con người cũng được miêu tả gợi cảm. Đồng thời, bằng tài nghệ của mình, nhà thơ đã dựng lên nghĩa lấp lửng, phục nguyên được ý nghĩa phồn thực của trò chơi đánh đu”.

Mà điều này theo như thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, ông cho rằng “những rối loạn thần kinh thường có nguyên nhân là những rối loạn tính dục". Sở dĩ Hồ Xuân Hương có sự ám ảnh về phồn thực như vậy cũng phần nào do cuộc đời của bà lắm truân chuyên. Từ những bài truyền tụng, người đời cho rằng Hồ Xuân Hương có bốn đời chồng và trải qua hai lần làm lẽ, trong đó có bài thơ “Làm lẽ” đã nói lên cảnh đau khổ oan nghiệt của người phụ nữ chung chồng. Vì phải chịu cảnh đắng cay, tủi hờn của kiếp chồng chung nên có lẽ về phương diện tình dục, ân ái, hoan lạc của vợ chồng và khát khao thầm kín của người phụ nữ bên trong bà cũng khó lòng được thoả mãn. Có lẽ vì vậy mà Hồ Xuân Hương đã gửi gắm nỗi niềm thầm kín đó vào những vần thơ.

Phồn thực là yếu tố quan trọng khi bình về thơ của Hồ Xuân Hương. Phồn thực trong thơ của bà được chia thành nhiều kiểu:

- Những biểu tượng gợi nhắc đến cơ quan sinh dục (hang, động, giếng, lỗ, cái quạt, miệng túi; quả cau, sừng, cán cân, dùi trống, cọc, hòn đá, …)

- Hành vi tính giao (đánh đu, dệt cửi, đánh trống, húc, trèo, nứt làm đôi, chen chân xọc, cúi lom khom,…)

- Thân thể người phụ nữ (bánh trôi, quả mít, mặt trăng, đôi gò bồng đảo, lạch đào nguyên,….)

- Giai đoạn nhân học (dậy thì, lấy chồng, có chửa, chồng chết,…)

Trong bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày”, Hồ Xuân Hương đã tả cảnh nàng thiếu nữ ngủ trưa và vô tình chàng quân tử bắt gặp trọn vẻ xuân sắc ấy. Nhưng cái làm nên sự thú vị cho bài thơ chính là cách nữ sĩ dùng từ vẽ lại cơ thể người thiếu nữ.

"Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông."

Những từ ngữ “đôi gò Bồng đảo” hay “lạch Đào nguyên” cứ như vô ý nhưng lại hữu ý tăng sự gợi hình gợi cảm cho người đọc.

Hoặc trong bài thơ “Cái quạt”, Hồ Xuân Hương cũng khiến người đọc “đỏ mặt” vì những hình ảnh hết sức táo bạo

"Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa."

Sự khéo léo của nữ sĩ chính là bà đã lựa chọn một món đồ hết sức bình thường, giản dị trong cuộc sống con người để dẫn dắt liên tưởng đến hình ảnh bộ phân sinh dục của người con gái. Mà trong quan niệm của người Á Đông, bộ phận sinh thực khí nữ có ý nghĩa biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Khi miêu tả về vẻ đẹp của người phụ nữ, thi pháp văn học trung đại sẽ lựa chọn những hình ảnh thanh cao, uyển chuyển như mây, nước, hoa, liễu,… để khắc họa. Ngày nay thi pháp đó có gọi là ước lệ tượng trưng. Song, trái với tất cả, đi ngược với quy luật đó, Hồ Xuân Hương đã mạnh mẽ khẳng định góc nhìn đầy phóng khoáng của bà bằng cách miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ với những tính từ “trắng – tròn”. Nổi tiếng nhất chính là bài thơ Bánh trôi nước

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vần giữ tấm lòng son"

Có thể nói, vẻ đẹp phồn thực xuất hiện rất nhiều trong những áng thơ của nữ sĩ. Trần trụi, bộc bạch nhưng không hề thô thiển dâm dục. Ngược lại, vẻ đẹp phồn thực trong các sáng tác của Hồ Xuân Hương đã dân gian hóa hình ảnh của người phụ nữ, tạo ra một phong cách thơ gần gũi, dí dỏm nhưng ý nghĩa bên trong đó lại vô cùng sâu sắc.

Đây cũng có thể coi là sự phản kháng và dám lên tiếng vì nữ giới của Hồ Xuân Hương. Tính dục vốn là yếu tố sinh lý bình thường của mỗi nguời, nhưng trước những giáo điều của Nho giáo và dĩ ngôn xã hội đương thời đã biến nó trở thành “cấm địa”. Mà Hồ Xuân Hương chính là hiện tượng nổi bật lên giữa vô vàn thi sĩ khác, phá vỡ đi xiềng xích trói buộc, sống với khát khao của chính bản thân bà.

Có thể nói, tín ngưỡng phồn thực đã tồn tại song hành với chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Nó ăn sâu vào xương máu của người dân, không chỉ ở mặt lễ hội lớn mà còn ở các nét văn hoá tưởng chừng bình thường nhất. Một số điều còn thể hiện sự tương đồng với các nước Châu Á khác nhưng vẫn mang theo nét riêng, tạo thành một quần thể riêng biệt trong khu vực văn hoá rộng lớn.

Sự ảnh hưởng của nó đã tạo thành một đặc trưng của văn hoá Việt Nam, cũng như văn hoá Á Đông, may đến một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đối với những nước nông nghiệp, phồn thực dường như là một mạch máu chảy sâu trong lòng họ, không thể tách rời. Về mặt tinh thần, phồn thực đã tạo nên một luồng văn hoá mang tính đặc trưng riêng. Những di sản văn hoá phi vật thể được công nhận không chỉ trong nước mà còn ở thế giới, trở thành một nét đẹp văn hoá. Hơn hết, đối với người nông dân từ bao đời nay, tín ngưỡng phồn thực tượng trưng cho ước vọng của họ, cho ước mơ ấm no và bội thu.

Vì vậy nên yếu tố này là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tinh thần của người nông dân, với quần thể văn hoá Việt Nam. Xét sâu hơn, tín ngưỡng phồn thực đã giúp để lại các di tích lịch sử, văn hoá cực kỳ quan trọng. Điều này đã tạo nên sự đa dạng và giàu đẹp cho hệ thống di tích của Việt Nam, gián tiếp tạo nên luồng phát triển cho du lịch Việt Nam, tô điểm cho cảnh sắc của đất Việt. Nhìn chung, những giá trị mà tín ngưỡng phồn thực mang đến cho Việt Nam vô cùng quý giá và xứng đáng được gìn giữ về sau.

Tựu trung lại, phồn thực là một giá trị về mặt tín ngưỡng cực kỳ quý giá của dân tộc Việt Nam. Đó là đúc kết của hàng ngàn năm văn minh lúa nước, của lớp lớp thế hệ nông dân đã đi cùng với chiều dài lịch sử dân tộc. Và hơn hết cả, với những giá trị trường tồn mà nó mang lại, nó xứng đáng được lưu giữ một cách trọn vẹn chứ không phải hứng chịu những điều biến chất từ ý thức của con người. 

 

NGÔ HẠ CHI

Bài viết liên quan